Đoàn Olympic Hóa học quốc tế năm 2023 trở về nước sau khi đạt thành tích cao tại đấu trường trí tuệ. Ảnh: gdtd.vn

GS.TS Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Bước phát triển mới của giáo dục

GS.TS Nguyễn Đình Hương.

Sau thống nhất đất nước, năm 1979, Trung ương và Chính phủ chuẩn bị bước phát triển mới của giáo dục bằng một nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục, với mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Việc cải cách bắt đầu từ giáo dục phổ thông, song song với tiến hành bồi dưỡng giáo viên, theo hướng từng bước cải cách giáo dục, sư phạm. Thời kỳ này cũng đánh dấu việc thực hiện nhiệm vụ quốc tế với hai nước bạn Lào, Campuchia; mở rộng quan hệ hợp tác, đối ngoại đa dạng với Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu…

Tuy nhiên, thời điểm này, đất nước gặp khó khăn lớn nên không có điều kiện để triển khai tốt chủ trương này. Song Đảng và Nhà nước vẫn kiên trì, tiếp nối qua Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986). Có thể nói, Đại hội VI của Đảng đã mở đầu cho công cuộc đổi mới toàn diện ở Việt Nam. Chủ trương của ngành thời kỳ này là đa dạng hóa các loại hình trường, lớp, hình thức đào tạo, quy chế trường, lớp dân lập, tư thục được ban hành.

Năm 1987, dưới sự chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, ngành Giáo dục đưa ra khẩu hiệu: Giữ vững ổn định và phát triển, nhằm khôi phục và đưa sự nghiệp giáo dục thoát khỏi khó khăn. Cùng đó, tiếp tục thực hiện đường lối phát triển của Đảng, đẩy mạnh phong trào xóa mù chữ và phổ cập tiểu học.

Tháng 12/2000, Việt Nam thực hiện được mục tiêu này và công bố với thế giới. 10 năm tiếp theo Việt Nam tiếp tục phổ cập giáo dục THCS và hoàn thành vào năm 2010. Hiện, Việt Nam có một hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học và sau đại học hoàn chỉnh. Đặc biệt, tại các kỳ thi quốc tế, nhất là môn Toán, Tin học, Việt Nam luôn đứng trong top từ 5 đến 10 thế giới.

Giáo dục trong giai đoạn này đáp ứng được cơ bản nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân; đồng thời thực hiện được các mục tiêu lớn trong Chiến lược phát triển giáo dục như nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế thành công.

Trong giai đoạn đổi mới, đặc biệt sau khi triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục phát triển nhanh, thực hiện nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân và nâng cao trình độ đào tạo, trình độ và kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là với người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, bình đẳng giới được bảo đảm.

Công tác phát triển đội ngũ được đặc biệt chú trọng để củng cố và đổi mới. Cơ sở vật chất kỹ thuật của hệ thống giáo dục và đào tạo được tăng thêm, từng bước hiện đại hóa. Xã hội hóa giáo dục và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng giáo dục và đào tạo nâng lên, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ.

Sau giải phóng miền Nam, vấn đề đặt ra là khôi phục, ổn định các trường học ở phía Nam. Nhiều cán bộ, giáo viên được điều động từ miền Bắc vào để hỗ trợ việc này, chưa kể số giảng viên đại học được thỉnh giảng vào để guồng máy các trường đại học trong đó chuyển động bình thường.

Thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ IV, ngày 11/1/1979 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 14-NQ/TW về cải cách giáo dục. Nội dung giáo dục, nghị quyết chỉ rõ, cần ra sức nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo ra lớp người lao động mới làm chủ tập thể, đủ sức gánh vác sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nguyên lý giáo dục vẫn là “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”.

Từ năm 1981 – 1992, chủ trương cải cách giáo dục là thay chương trình, thay sách giáo khoa theo lối cuốn chiếu để thống nhất hệ thống giáo dục trên cả nước. Cải cách gần đây nhất vào năm 2013, được đánh giá có tính toàn diện, triệt để bằng Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013, trên tinh thần “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Hiện, giáo dục Việt Nam tiếp tục có nhiều thành tựu nổi bật. Chất lượng giáo dục được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Việt Nam hiện được xếp vào tốp 10 hệ thống giáo dục đổi mới hàng đầu của thế giới. Trong các Chương trình đánh giá học sinh quốc tế, lứa tuổi 15 (PISA), học sinh Việt Nam đạt kết quả ấn tượng, vượt qua mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra.

Các đội tuyển Olympic quốc tế đều đạt thứ hạng cao. Liên tục nhiều năm qua, các đoàn học sinh của Việt Nam liên tục trong tốp 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất. Nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao. Chỉ tính 5 năm gần đây, có 174 lượt học sinh tham dự các kỳ Olympic quốc tế và khu vực môn: Toán học, Hoá học, Vật lý, Sinh học, Tin học. Các em mang về 170 huy chương và bằng khen. Trong đó, có 54 Huy chương Vàng, 68 Huy chương Bạc, 40 Huy chương Đồng và 8 Bằng khen.

Ở bậc đại học, năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM lọt vào danh sách 1 nghìn trường hàng đầu thế giới của Tổ chức Quacquarelli Symonds (Anh). Sự kiện này đánh dấu bước trưởng thành của giáo dục đại học nước nhà. Đến nay, nhiều trường đại học, chương trình đào tạo được ghi danh vào bảng xếp hạng của thế giới. Năm 2023, Việt Nam có 11 ngành đào tạo tại 6 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong tốp 51 - 630 tốt nhất thế giới (theo tổ chức Quacquarelli Symonds).

Đáng nói, tự chủ đại học tạo nên đột phá khi nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo đứng trong tốp 500 thế giới. Việt Nam đứng thứ 49 thế giới về số lượng bài báo khoa học công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín.

Đợt sinh hoạt chính trị đầu năm học 1976 - 1977 của Trường Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Tư liệu/Internet

Thành tựu về giáo dục, đào tạo đã góp phần quan trọng vào phát triển chất lượng nguồn nhân lực. Nếu năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt mức 40% thì năm 2020 tăng lên 64%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 14,6% lên 24,5%. Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, đến cuối năm 2022, đầu năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 67%.

Đặc biệt, năm 2020 và 2021 đánh dấu bước chuyển đổi linh hoạt của hệ thống giáo dục Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Với chủ trương “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học”, các cấp học (trừ mầm non) đã chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến qua Internet và truyền hình. Đây là lần đầu tiên việc dạy học trực tuyến được triển khai trên quy mô cả nước.

Báo cáo PISA của OECD công bố ngày 29/9/2020, đánh giá: “Việc học trực tuyến để phòng chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác”. Đây là nhận định xác đáng khi Việt Nam có gần 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến, cao hơn mức trung bình 67,15% của các nước OECD, xếp thứ 17/200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Đại hội XIII của Đảng đã định hướng phát triển giáo dục Việt Nam. Theo đó, thay vì nhấn mạnh “phát triển nhanh giáo dục và đào tạo” như trước đây, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đề cập trực tiếp việc phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.

Chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu tiếp tục được tái khẳng định. Trên cơ sở đó, xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, động lực then chốt để phát triển đất nước. Không chỉ vậy, giáo dục Việt Nam còn hướng đến phát triển đột phá và nâng cao chất lượng. Có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới.

Bà Châu Quỳnh Dao - Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang: Nhiều cơ hội và thách thức

Bà Châu Quỳnh Dao.

Hiện, hệ thống giáo dục ở nước ta khá hoàn chỉnh từ mầm non đến sau đại học. Hầu hết bản, làng, xã, phường đều có trường lớp tiểu học; trường THCS được xây dựng ở các xã hoặc cụm liên xã; trường THPT được xây ở huyện.

Đơn cử như: Sau 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi (2010 - 2020) tăng hơn 2.600 trường. Mỗi xã, phường đều có ít nhất 1 trường mầm non công lập. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,9%. Về cấp tiểu học, 63/63 tỉnh thành đạt chất lượng phổ cập mức độ 2, trong đó 4 địa phương đạt mức độ 3. 63/63 tỉnh thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS cấp độ 1, một số địa phương đạt mức độ 2 và 3. Đối với cấp THPT, cả nước có hơn 2.500 trường; trong đó trên 45% số trường đạt chuẩn quốc gia.

Ngoài ra, hiện cả nước có hơn 400 trường đại học, cao đẳng; 40/63 tỉnh, thành phố có trường đại học; 62/63 tỉnh/ thành phố có ít nhất 1 trường đại học hoặc trường cao đẳng. Về cơ bản, hệ thống giáo dục nước ta đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân. Đến nay, hầu hết người dân trong độ tuổi đi học được đến trường.

Với hệ thống giáo dục và đào tạo như trên cho thấy, sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nỗ lực to lớn của toàn dân đối với sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà. Trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện tốt chính sách công bằng, dân chủ trong giáo dục. Bảo đảm bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trong học tập, để mọi người dù giàu nghèo đều có cơ hội học tập và thành đạt ngang nhau.

“Những năm tới, ngành Giáo dục tiếp tục đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cố gắng nỗ lực của ngành Giáo dục, chăm lo của toàn dân, tôi tin sự nghiệp giáo dục, đào tạo nước ta sẽ phát huy tốt truyền thống hiếu học, sớm khắc phục những khuyết điểm tồn tại, để gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người””, bà Châu Quỳnh Dao nhấn mạnh.